VÔ THẦN LÀ GÌ ?

Không nhận diện thật chính xác, thì không thể chống lại vô thần đang đầy dẫy ở mọi lãnh vực, phạm trù từ tinh thần đến vật chất, để bảo vệ chính bản thân, chứ đừng mong hướng dẫn, bảo vệ những người mình có trách nhiệm. Cuốn THIÊN CHÚA của tác giả Manfred Lutz, do Phạm Hồng Lam dịch, giúp chúng ta trả lời khá sâu sắc các vấn đề liên quan đến vô thần.

Vô thần, theo nghĩa chung chung ngày nay, là phủ nhận có sự hiện hữu của một Đấng tạo dựng trời đất toàn năng, vị này tiếp tục giữ gìn tạo vật trong tay, và đến “ngày sau cùng” sẽ phán xét con người, tách biệt người lành kẻ dữ, người lành sẽ được thưởng phúc thiên đàng, kẻ dữ bị luận phạt hoả ngục. Đi ngược trở lại lịch sử của ý niệmnày, ta thấy lắm hiện tượng khá rối trí. Vì không chịu thờ thần linh nhà nước và thờ hoàng đế thiên tử, các ki-tô hữu xưa bị coi là vô thần. Cả Sokrates cũng phải chết vì tội vô thần, vì ông dám coi đám thần linh lúc nhúc trong bầu trời Hi-lạp chẳng ra gì, và, với suy nghĩ của một triết gia, ông đã lên đường tìm về một Thiên Chúa duy nhất.

Nếu lấy ý niệmThiên Chúa theo lối hiểu Ki-tô giáo ngày nay để thăm dò cổ thời nhân loại, ta sẽ thấy đầy dẫy “Vô thần”. Bởi vì làm sao người thời đó hiểu được Thiên Chúa như ta hiểu ngày nay? Mặt khác, toàn bộ lịch sử nhân loại lại đầy dẫy những niềm tin muôn màu vào thần linh và vào Thiên Chúa. Vì vậy, phải cẩn thận, đừng để rơi vào chủ nghĩa đế quốc tinh thần do những mánh khoé lạm dụng ý niệmtạo ra, và qua đó kéo dãn vương quốc vô thần hay vương quốc niềm tin Thiên Chúa ra quá rộng một cách không thích đáng. Dù sao, ý niệmVô thần khá mơ hồ, và có lẽ nó càng rõ nghĩa hơn, khi ta càng tiến gần vào thời Hiện đại.

Nhưng thời nay cũng không dễ có được những đối lập đơn giản. Nhà thần học Karl Rahner gọi thái độ của những người tự coi là vô thần, nhưng sống một cuộc sống như có Thiên Chúa, là “vô thần vì kính trọng Thiên Chúa”. Họ chấp nhận thà là “vô thần”, còn hơn phải sống với một thứ Thiên Chúa bề ngoài của mấy ông bà “đạo đức” môi miệng. Thiên Chúa này không hợp với kinh nghiệm tôn giáo bề sâu của họ.

Vì thế, ta vẫn phải chấp nhận phần nào tính mơ hồ của ý niệmVô thần, nhất là để khỏi phải loại trừ ra bất cứ hiện tượng quan trọng nào. Sử gia người Pháp Georges Minois cũng công nhận như thế. Năm 2000 Georges Minois cho phát hành cuốn sách nổi tiếng của ông, ấn bản tiếng Đức 700 trang Lịch Sử Vô Thần Từ Khởi Thuỷ Tới Hiện Nay, cuốn sách thật đầy đủ và hấp dẫn, đúng là chỉ có sử gia Pháp mới viết được những cuốn như thế. Sách ông đã giúp tôi viết chương này. Minois có cảm tình với quan điểm vô thần, dù vậy, ông đã không đứng về một phía nào khi viết, và sách ông nói chung đã thành công nhờ thái độ khách quan đó.

Ông phân biệt ra Vô thần thực hành và Vô thần lí thuyết. Người vô thần thực hành sống như không có Thiên Chúa, dù họ có bảo mình tin gì đi nữa. Ngay chính trong những thời hoàng kim của Ki-tô giáo, thái độ sống này cũng rất phổ biến nơi các tầng lớp dân chúng. Người vô thần lí thuyết tuyên xưng rõ ràng sự Vô thần của mình và thường đưa ra những biện minh cho quan điểm mình.

Minois nói nhiều tới loại Vô thần phản kháng, nghĩa là loại người chống lại quan điểm đức tin nhiều ít cứng nhắc trong những giai đoạn nào đó. Thái độ này được coi là ngang ngạnh, can đảm hay cũng chỉ là một thứ tình cảm quá độ. Và như thế, tùy theo mỗi giai đoạn, Vô thần mang những nét hoàn toàn khác nhau.